Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Hoa cải mùa này...







Lãng đi một tí, mùa hoa cải đã đến và đi nhanh như thế....

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

HOA GẠO THÁNG BA...








Tháng ba lại về...
Hoa gạo là loài hoa minh yêu thich nhất mùa này... Nhưng phải về quê mới có hoa này, mà chỉ về quê tự nhặt những bông gạo lên tay mới cảm nhận hết vẻ đẹp của hoa gạo... Hôm trước xem chương trình chiếc nón kỳ diệu thấy người ta bảo hoa gạo còn một tên khác nữa là "hoa mộc miên". Nghe hay nhỉ, tên gọi rất lãng mạn...
Hôm nọ mình rủ Diệu về quê chơi, cây hoa gạo ở chùa Trầm cũng trổ hoa lác đác. Nhưng Diệu bảo "người ta nói ở các cây gạo hay có ma lắm..." Đúng thật, mình cũng thấy mọi người bảo thế. Định cầm mấy bông gạo đỏ về nhà nhưng rồi lại thôi, sợ ma theo về... nên cứ để chúng rải rác quanh gốc cây cho mọi người cùng ngắm...

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

NHỮNG ĐIỀU VÔ GIÁ


Hôm nay, lang thang trên mạng, mình thấy một truyện ngắn thật hay và ý nghĩa, mình sẽ lưu giữ để sau này đọc cho các con nghe...
9/15/2009 9:26:30 AM
Người mẹ đang bận rộn nấu bữa tối trong bếp, bất ngờ cậu con trai bé bỏng chạy ùa vào, và đưa cho mẹ một mẩu giấy nhỏ. Sau khi lau tay vào chiếc tạp dề, người mẹ mở tờ giấy ra và đọc:
Cắt cỏ trong vườn: 20 nghìn đồng.
Dọn dẹp phòng của con: 10 nghìn đồng.
Đi chợ cùng với mẹ: 5 nghìn đồng.
Trông em giúp mẹ: 10 nghìn đồng.
Đổ rác: 5 nghìn đồng.
Kết quả học tập tốt: 20 nghìn đồng.
Quét dọn sân: 10 đồng.
Mẹ nợ con tổng cộng: 80 nghìn đồng.

Sau khi đọc xong, người mẹ nhìn cậu con trai đang đứng chờ với vẻ mặt đầy hy vọng. Bà cầm bút lên, lật mặt sau của tờ giấy và viết:
Chín tháng mười ngày con nằm trong bụng mẹ: Miễn phí.
Những lúc mẹ bên cạnh chăm sóc, cầu nguyện mỗi khi con ốm đau: Miễn phí.
Những giọt nước mắt con làm mẹ khóc trong những năm qua: Miễn phí.
Những đêm mẹ không ngủ vì lo lắng cho tương lai của con: Miễn phí.
Tất cả những đồ chơi, thức ăn, quần áo mà mẹ đã nuôi con trong suốt mấy năm qua: Miễn phí.
Và đắt hơn cả chính là tình yêu của mẹ dành cho con: Cũng miễn phí luôn con trai ạ.

Khi đọc những dòng chữ của mẹ, cậu bé vô cùng xúc động, nước mắt lưng tròng. Cậu nhìn mẹ và nói: "Con yêu mẹ nhiều lắm!". Sau đó, cậu đặt bút viết thêm vào tờ giấy dòng chữ thật lớn: "MẸ SẼ ĐƯỢC NHẬN LẠI TRỌN VẸN."
Phùng Chí Chung

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Nhớ mái trường xưa...

NHỚ VỀ TRƯỜNG CẤP III CỦA TÔI...
Hôm nay thầy Hiệu trưởng trường cấp III tôi đã học ngày trước gọi cho tôi: Em viết 1 bài về trường nhé. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập trường... Sau cuộc điện thoại tôi thấy lòng bâng khuâng...Chưa biết sẽ viết gì và viết như thế nào vì mọi thứ đều nằm trong ngăn kéo kỷ niệm, thỉnh thoảng nghĩ lại mỉm cười rồi mọi thứ lại cuốn mình đi... nhưng bây giờ tôi sẽ ngồi viết... với những tình cảm mộc mạc và chân thành nhất...
Đó là trường THPT Hoài Đức C Hà Nội, nay là trường THPT Cao Bá Quát- Quốc Oai, Hà nội.
Chúng tôi là lớp học sinh khóa 3 của trường, tốt nghiệp tháng 6 năm 1992, trường hồi đó với quy mô còn nhỏ, mới xây dựng, chưa được 10 phòng học, nằm ở ven đồi thuộc xã Tân Hòa- Quốc Oai, Hà nội. Khóa chúng tôi chỉ có 3 lớp 12, tôi thuộc lớp 12b- tập trung chủ yếu số học sinh của 2 xã Tân Hòa và Tiên Phương, lớp 12a - tập trung chủ yếu học sinh của xã Phụng Châu và lớp 12c- tập trung chủ yếu học sinh của 2 xã Tân Phú và Đại Thành. Chúng tôi đều là con em nông thôn nghèo, được ăn học cấp 3 đã là một sự cố gắng rất lớn của các gia đình. Vì vậy chúng tôi rất tự hào về mái trường đã nuôi nấng nâng cánh những ước mơ cho chúng tôi. Nhớ lắm từng hàng cây, từng bậc cầu thang, từng lán xe đạp và cả hố cát tập thể dục tiết nhảy xa phía sau trường… và nhớ mãi trong lòng là hình ảnh các thầy cô giáo đã từng dạy dỗ chúng tôi… Thầy Điền là hiệu trưởng dạy Toán trầm tĩnh, nghiêm khắc; Thầy Khởi dạy Văn học cổ rất sâu sắc, uyên bác và đậm chất thơ; Thầy Son dạy Văn học hiện đại rất bài bản, cấu tứ chặt chẽ; Thầy Ty và Thầy Thanh dạy Toán rất khoa học và đặc biệt là 2 thầy viết rất đẹp, những cường cong Parabon các thầy vẽ không bao giờ cần phải có thước kẻ hay Compa; Cô Hằng và Thầy Hiến dạy Lý rất tỉ mỉ; Thầy Hiển dạy Hóa thường gọi học sinh bằng “các cô cậu” và thầy hay luyến từ axít với bazơ đến nỗi học sinh không gọi thầy là thầy Hiển mà gọi thầy là thầy Bazơ; Thầy Hệ dạy sinh nhưng rất lãng mạn và hát rất hay, mỗi khi có chương trình văn nghệ thầy Hệ thường cầm đàn ghi ta, chơi ghita trực tiếp và hát cho học sinh nghe; cô Việt Hoa dạy Tiếng Anh thường dạy những bài hát tiếng Anh vui nhộn; thầy Lưu nói tiếng Nga với những âm gió rất chuẩn nhưng thầy thường lắc đầu trước những trò nghịch ngợm của chúng tôi bằng câu “bất khả kháng”; Thầy Hiền dạy Địa rất nhẹ nhàng, có lần thầy Hiền bảo “nước Mông Cổ rất lạnh giá, đến nỗi ai búng vào tai người khác là tai đó bị rụng mất ngay…” và cả lớp cười nghiêng ngả vì câu nói đùa đó… Tất cả các giáo viên và học sinh đều rất mộc mạc, giản dị nhưng trong lòng ai cũng trong sáng, nhiều ước mơ hoài bão cố gắng cùng nhau xây dựng nên một mái trường xứng đáng là điểm tựa, niềm tin cho người dân 6 xã ngoại thành Hà nội, tuy rằng trường với xuất phát điểm còn non trẻ, nhỏ bé, nghèo nàn…
Hồi đó, chúng tôi học đại trà, không có sự phân ban, hay lớp chọn, lớp điểm nào, ai mạnh môn nào thì cố gắng phát huy môn ấy. Các thầy cô dạy các môn chủ lực cho học sinh thi vào đại học cũng tận tâm tận lực dạy chúng tôi, kể cả các thầy cô ở nội thành Hà nội hàng ngày đạp xe về trường xa hơn 30km vẫn rất cố gắng, cô Việt Hoa còn ngủ lại trường vì dạy xong trời tối quá, không có điện, mưa lầy lội đường ngập bùn không về Hà nội được, tôi đến trường ngủ cùng cô, đêm chuột chạy sục sạo 2 cô trò sợ quá ôm nhau nằm im thít, không dám thì thào…
Tôi vẫn rất nhớ câu nói của thầy Điền trong ngày khai trường: “các em phải cố gắng học hành đem tri thức về xây dựng quê hương, biến địa phương mình, xã mình thành xã văn minh, tiến bộ và giàu có, vì ở đó có gia đình, bố mẹ các em đã nuôi các em khôn lớn…” Thầy Khởi nhấn mạnh chúng tôi: “chúng ta còn nghèo nên công tự học của các em là rất quan trọng, thầy khuyên các em hãy chăm chỉ học tập, trước hết hãy học chắc kiến thức trong sách giáo khoa, các em không cần nôn nóng bắt chước người ta đua nhau ra Hà nội học thêm trường chuyên lớp chọn mà tốn kém tiền của bố mẹ, chưa chắc đã hiệu quả bằng tự bồi dưỡng tích lũy kiến thức ở chính các thầy cô trong trường mình, nhất là các em học các môn khoa học tự nhiên…”
Vâng lời thầy, chúng tôi rất nỗ lực cố gắng chăm chỉ học tập, dù ngày ấy chưa có điện chúng tôi vẫn thắp đèn dầu học rất khuya, dù đường mưa trơn bùn lầy lội mà phải đi bộ mấy cây số nhưng chúng tôi không nghỉ học buổi nào, tất cả chúng tôi đều tự nhủ phải có gắng học tập vì tương lai của bản thân, vì lòng mong mỏi của bố mẹ, và một lý do thôi thúc rất cơ bản là vì sự tâm huyết dạy dỗ của các thầy cô.
Thật cảm động khi thầy Điền và Thầy Khởi giới thiệu chúng tôi một cách trân trọng cho những em học sinh khóa sau “nhà trường xin vui mừng thông báo những học sinh ở trường ta năm qua đã thi đỗ đại học gồm…, như vậy, số lượng này tăng hơn so với năm trước…” Chúng tôi vui lắm và chúng tôi biết các thầy cô cũng vui vì thành quả mà các thầy cô cố gắng đào tạo mấy năm qua đã có kết quả tốt đẹp. Đây là niềm vui lớn nhất của sự nghiệp trồng người…
Ngày nay, chúng tôi đã có những thành công nhất định trên con đường sự nghiệp, khóa chúng tôi có những người làm giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, công an, sỹ quan quân đội, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học và các doanh nhân… chúng tôi luôn biết ơn sâu sắc những lời dặn dò mộc mạc, thiết thực và ấm tình người của các thầy cô.
Sau này, có dịp về thăm trường tôi thấy rất vui mừng vì trường được phát triển cả về chất lượng và quy mô. Dưới sự lãnh đạo tâm huyết của các thầy trong ban giám hiệu như thầy Điền, thầy Thanh, thầy Khởi trường đã được xây dựng khang trang hơn, đẹp hơn, cơ sở vật chất đầy đủ hơn và vui mừng hơn nữa là trường có một đội ngũ giáo viên chắc về chuyên môn, thành thục về phương pháp, tâm huyết với trường và với nghề… Đáp lại những công lao của các thầy cô, các lớp học sinh luôn cố gắng học tập, tỉ lệ sinh viên đỗ đại học mỗi năm mỗi tăng, các em học sinh tôt nghiệp ra trường đều cảm thấy tự hào về mái trường mình đã được học.
Hôm nay, viết những dòng hoài niệm này về ngôi trường thân yêu, tôi vẫn thấy bồi hồi xao xuyến. Chia sẻ niềm xao xuyến ấy với thầy Son, người cũng nhiều năm gắn bó với mái trường, hiệu trưởng hiện nay của trường tôi thưa: em là học sinh cũ của trường, với những bước tiến của nhà trường trong những năm qua em thấy rất tự hào, chúng em luôn tin tưởng rằng với nền móng vững chắc, với vị thế mới, thầy sẽ lãnh đạo nhà trường trở thành một trường tiên tiến trong khu vực để chúng em luôn tự hào là học sinh của trường, để người dân của 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai luôn tin tưởng khi có một môi trường văn hóa, nơi mà con em của họ được dạy dỗ, trưởng thành… Thầy Son cũng tâm huyết và gửi gắm tới học trò chúng tôi: trường luôn cố gắng phát triển và cần lắm những tấm lòng của các em học sinh ra trường, khi thành đạt hãy dùng kiến thức và tấm lòng với những việc làm thiết thực đóng góp sức mình cho ngôi trường thân yêu và cho quê hương của mình...
Vũ Thị Hồng Khanh
Cựu học sinh khóa 3 (khóa học 1989-1992)

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2010

NHỮNG BÀI HÁT HAY VỀ HÀ NỘI


Thủ đô HN với nét đẹp bình dị và sức sống tiềm tàng đã làm xao xuyến bao tâm hồn nghệ sĩ, để tạo nên những nốt nhạc bất tử sống mãi cùng thời gian.
10 giai điệu nổi tiếng về mùa thu Hà Nội
Nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cùng VnExpress nghe lại những giai điệu gắn liền với mảnh đất nghìn năm tuổi.
1. “Hướng về Hà Nội” (nhạc sĩ Hoàng Dương)
“… Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dài ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió ngây thơ, thấu chăng lòng khách bơ vơ…”

Hơn 50 năm trước, một chàng trai trẻ đã gửi gắm cảm xúc, tâm sự của mình với thủ đô Hà Nội qua những giai điệu da diết, thấm đượm nỗi nhớ nhung vô hạn. Hướng về Hà Nội ra đời đúng vào khoảng thời gian đất nước đang chìm giữa bom đạn chiến tranh, người dân loạn lạc đi tản cư. Trong một đêm ngồi trong căn nhà ngoại thành và nghe thấy tiếng súng nơi thành phố, nhạc sĩ Hoàng Dương đã ghi lại tâm trạng “ngóng trông về xa”, “tiếc thương hình bóng qua” bằng âm nhạc.



“Hà Nội ơi” - tiếng gọi xuyên suốt ca khúc gợi cho người nghe một cảm giác buồn man mác khi nghĩ về lịch sử đã qua. Vào thời điểm khó khăn ấy, hòa bình là một thứ quá “xa xỉ” đối với người dân. Chính vì vậy sau này, mỗi khi giai điệu thân quen của Hướng về Hà Nội vang lên, nhiều thế hệ lại cảm thấy thấm thía về những “mùa chinh chiến ấy”. Rất nhiều nghệ sĩ ở các thế hệ khác nhau như Lê Dung, Thái Thanh, Khánh Hà, Hồng Nhung đều từng thể hiện ca khúc này. Dù ở phong cách nào thì Hướng về Hà Nội vẫn khiến người nghe hòa quyện chung một niềm cảm xúc mãnh liệt dành cho mảnh đất nghìn năm tuổi.
2. “Người Hà Nội” (nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi)
“… Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm
Đây Thăng Long, đây Đông Đô
Đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…”

Người Hà Nội là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi vào năm 1947 - thời điểm “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời” khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu nổ ra. Được sáng tác trong cùng một thời kỳ nhưng nếu như Hướng về Hà Nội có giai điệu buồn da diết, Người Hà Nội lại mang âm hưởng mạnh mẽ, nhắc nhớ những con người hào hoa, phong nhã luôn vùng lên đấu tranh để giữ hòa bình cho quê hương. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã tạo nên Người Hà Nội với tất cả tình cảm son sắt và sự phóng khoáng trong tâm hồn của một người Tràng An.

Những địa danh nổi tiếng được đưa vào bài hát như Hồ Gươm, Hồ Tây, Ô Chợ Dừa, các khu phố cổ… làm hiện lên trong tâm trí của người nghe một Hà Nội “lắng hồn núi sông ngàn năm” và “đượm thắm máu hồng tươi” của biết bao thế hệ đã ngã xuống để chúng ta có được như ngày hôm nay. Người Hà Nội được biết đến nhiều qua giọng ca của cố nghệ sĩ Lê Dung. Tuy nhiên, Ánh Tuyết và Cao Minh là hai giọng ca thể hiện thành công nhất ca khúc này
3. “Nhớ tuổi thơ Hà Nội” (nhạc sĩ Nguyễn Cường)
“… Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội
Những phố phường tuổi thơ tôi bồi hồi
Phố Hàng Lược chợ hoa, phố Hàng Đào lụa tơ
Đất Thăng Long người ơi, mái nhà nào chờ tôi
Những tháng ngày tuổi thơ tôi, Hà Nội…”

Nhớ tuổi thơ Hà Nội được nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác vào năm 1986, khi con trai ông đi xa. Nỗi nhớ con da diết trong một buổi chiều đã tạo cảm xúc cho ông viết nên những câu hát đơn sơ, nồng nàn khiến bao thế hệ người nghe chạnh lòng mỗi khi phải rời xa Hà Nội. “Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội” - câu hát mở ra một cuộc hành trình tìm về ký ức tuổi thơ với “những chiều chiều đội mưa, lũ bạn bè ngày xưa, trốn học đi tìm thơ”. Từng con đường, từng khu phố, từng mái nhà đều gắn với một kỷ niệm mang tên “tuổi thơ tôi Hà Nội” của chàng trai trong bài hát.

Giọng ca đầu tiên và cũng là người thể hiện thành công nhất bài hát này là ca sĩ Đức Chính. Có sự đồng cảm mạnh mẽ với người nhạc sĩ, anh đã gửi vào Nhớ tuổi thơ Hà Nội “cái hồn” của một chàng trai Hà Nội chính gốc. Giọng hát phiêu diêu đầy ngẫu hứng của nam ca sĩ được mệnh danh là “tuổi thơ Hà Nội” bên chân cầu Long Biên đã trở thành một hình ảnh không thể phai nhòa trong tâm trí người hâm mộ. Sau này, ca sĩ Ngọc Khuê đã đưa đến một “sắc màu” mới - dịu dàng và mộc mạc hơn - với Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội theo phong cách acoustic.
4. “Gửi người em gái” (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh)
“… Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Lượm đào phong kín cánh mong manh tấm hoa lòng
Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi, liễu rủ mà chi
Đêm tân xuân, Hồ Gươm sao long lanh
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa…”

Mùa xuân năm Bính Thân 1956, “chàng công tử phong lưu đất Bắc” Đoàn Chuẩn đã gửi lời tâm tình của mình cho một giai nhân được gọi là “người em gái” thông qua bản tình khúc bất tử của tân nhạc VN. Mượn khung cảnh đêm tân xuân Hà Nội cùng những hình ảnh như “cành hoa tim tím”, “rừng đào phong kín” hay “hoa mai rơi”, người nhạc sĩ đã thổ lộ nỗi lòng tương tư “người em gái tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương”. Có rất nhiều giai thoại xung quanh Gửi người em gái nhưng chỉ biết rằng, mỗi khi lời ca trữ tình của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vang lên đều khiến cho biết bao con tim xao xuyến

Gửi người em gái giống như một bức tranh cổ kính về Tết Hà Nội xưa. Đó là một đêm tân xuân “vắng bóng người đi, liễu rủ mà chi”, “xác pháo bên thềm” - những hình ảnh khó có thể xuất hiện lần nữa trong những cái Tết ngày nay. Mùa xuân năm ấy, đất nước vẫn bị chia lìa làm hai miền và chưa biết khi nào mới có thể trùng phùng. Khoảnh khắc giao thừa bên Hồ Gươm đẹp đến vậy, nhưng lòng người lại đau đáu một nỗi nhớ khôn nguôi. Mùa xuân Hà Nội nay đã khác xưa rất nhiều, chỉ có giai điệu của Gửi người em gái vẫn vậy - trữ tình, sâu lắng và vẫn tiếp tục lay động lòng người.
5. “Em ơi Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ, nhạc: Phú Quang)
“… Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm…”

Em ơi Hà Nội phố gợi lên một không gian yên bình, trầm lắng đến lạ lùng của Hà Nội trong một buổi chiều đầu đông. Những cơn mưa cuối mùa rì rào trên đoạn đường vắng, mái ngói rêu phong, cây bàng đơn côi và mùi hoa sữa nồng nàn vương trên từng tán cây theo gió thổi làm xao động biết bao tâm hồn. Phải đến mùa đông, chúng ta mới có thể cảm nhận được hết sự chầm chậm, lặng lẽ của Hà Nội. Chính nét đẹp cổ kính, lao xao trên từng con phố cũ và từng “mái ngói xô nghiêng” đã làm nao lòng người nghệ sĩ.


Hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong bài hát có lẽ là “mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân”. Nhà thơ Phan Vũ đã sáng tác bài thơ Hà Nội phố vào năm 1972 - thời điểm không quân Mỹ đang leo thang đánh phá Hà Nội. Tiếng dương cầm, tiếng chuông vang lên khi thủ đô đang chìm trong bom đạn, khói lửa tạo nên hai sự đối lập nhưng mang đầy xúc cảm. Khán giả vẫn quen thuộc một Em ơi Hà Nội phố trầm mặc qua giọng ca của nữ ca sĩ Cẩm Vân. Tuy nhiên, Thanh Lam cũng là người thể hiện ca khúc này rất thành công trong bộ phim Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng vào năm 1995
6. “Hà Nội và tôi” (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhạc: Lê Vinh)
“… Nơi tôi sinh Hà Nội
Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy
Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó
Đêm lặng nghe trong gió
Tiếng sông Hồng thở than…”

Hà Nội và tôi là lời tâm sự của một chàng trai Hà Nội khi sắp phải rời xa quê hương. Điều anh ta nhớ nhất chính là ngôi nhà mình đã sinh ra và lớn lên ở “ngõ nhỏ, phố nhỏ”. Người ta nói rằng chỉ cần một ngày lang thang trên mỗi góc phố Hà Nội, những ký ức đó sẽ mãi in sâu trong tâm trí của bất kỳ ai từng đặt chân lên mảnh đất này. Khuất sâu trong từng nốt nhạc của Hà Nội và tôi là một nỗi xao xuyến, bồi hồi để lại cho người sự bâng khuâng, lắng đọng bên trong tâm hồn.

Chuẩn bị lên đường, chàng trai ấy mang trong lòng tâm sự nặng trĩu và lưu giữ tại những hình ảnh thân quen nhất về Hà Nội như Hồ Gươm, mùi hoa sữa, “những cánh phượng rơi” và đặc biệt là “tiếng sông Hồng thở than” trong đêm. Hà Nội và tôi đã nói lên nỗi lòng của những người con thủ đô đang tha phương nơi xứ người. Giọng ca ấm áp, truyền cảm của cố nghệ sĩ Ngọc Tân gợi nhớ đến hình ảnh của một Hà Nội đắm say, vắng lặng của thời xa xưa
7. “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” (nhạc sĩ Ngọc Khuê)
“… Bên lúa, anh bên lúa, cánh đồng làng ven đê
Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi thắm nắng chiều
Làng em, làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa
Hồ Tây đôi bên, trong tình yêu hoa lúa rộn ràng…”

Mùa xuân năm 1982, bản nhạc Mùa xuân, làng lúa làng hoa qua giọng hát mượt mà của ca sĩ Thanh Hoa đã được truyền đi từ Đài tiếng nói VN. Cho đến nay mỗi độ khi xuân về, giai điệu bất hủ của ca khúc này vẫn tiếp tục vang lên như nhắc nhở người nghe nhớ về một thời đã xa của vùng phía Bắc thủ đô. Nhạc sĩ Ngọc Khuê từng tâm sự rằng cảm hứng sáng tác Mùa xuân, làng lúa làng hoa đến với ông rất tình cờ khi đạp xe tới thăm một người bạn ở gần Hồ Tây vào mùa đông năm 1981.


Lúc bấy giờ, người nhạc sĩ phát hiện ra rằng ở Hồ Tây không chỉ có làng hoa mà còn tồn tại những cánh đồng lúa chín vàng bát ngát. Từ đó câu hát: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người, bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng” đã ra đời. Mùa xuân, làng lúa làng hoa giống như một khúc hò vang vọng giữa mênh mông trời nước Hồ Tây, báo tin mùa xuân đã tới trên khắp các nẻo đường. Nhiều thế hệ người VN còn quen thuộc với ca khúc này qua giọng hát của nữ ca sĩ Trung Anh
8. “Chị tôi” (thơ Đoàn Thị Tảo, nhạc: Trọng Đài)
“… Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo
Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh
Ngày chị sinh, trời cho làm thơ
Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở
Cho làm câu hát, để người lý lơi…”

Mặc dù trong lời bài hát không có một chữ “Hà Nội” nào, Chị tôi vẫn được coi là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất về thủ đô. Sự kín đáo, thanh lịch cùng dáng vẻ tần tảo của người phụ nữ Tràng An được thể hiện qua từng câu hát mộc mạc mang tâm trạng khắc khoải. Chị tôi cũng là một trong những ca khúc đầu tiên đem lại thành công cho ca sĩ Mỹ Linh. Chất giọng khỏe khoắn, truyền cảm của cô đã khắc sâu trong tâm trí người nghe. Ngoài Mỹ Linh, chưa giọng ca nào có thể truyền tải được hết cái “hồn” của Chị tôi.

Số mệnh đa đoan của người con gái Hà Thành được gửi gắm một cách ý nhị, ngậm ngùi trong ca từ của Chị tôi. Người chị được sinh ra khi “trời không nín gió” đã dự cảm cho một cuộc đời không được suôn sẻ. Từ “lý lơi” trong câu hát thể hiện cho thực tế cay đắng, chênh vênh của người phụ nữ tài sắc trong xã hội xưa. Hình ảnh Mỹ Linh tóc dài thướt tha ngồi hát trong một căn nhà cổ, còn NSND Lê Khanh e ấp, duyên dáng trong tà áo dài trắng tinh khôi ở video clip Chị tôi cũng để lại những dấu ấn khó phai nhòa trong những dòng ký ức về Hà Nội của nhiều người
9. “Trời Hà Nội xanh” (nhạc sĩ Văn Ký)
“… Xanh xanh thắm, bầu trời xanh Hà Nội
Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh
Thân thương quá nụ cười người Hà Nội
Đã gặp rồi mà bồi hồi, nhớ mãi Hà Nội ơi…”

Nhạc sĩ Văn Ký từng viết khoảng 10 ca khúc về Hà Nội nhưng trong số đó, có lẽ Trời Hà Nội xanh là bài hát có ca từ mượt mà, đằm thắm nhất. Hình ảnh bầu trời xanh được lặp đi lặp lại trong lời ca như gợi nhớ người nghe về một mùa thu “Hà Nội vùng lên, Hồng Hà cuộn sóng” năm nào. Màu xanh của bầu trời thủ đô tháng 10 luôn đem tới cảm giác thanh bình là một hình ảnh đậm chất thơ đã được bao nhiêu người nghệ sĩ đưa vào trong những tác phẩm của mình

Năm nay, nhân kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi, giai điệu của Trời Hà Nội xanh lại vang lên như tỏ rõ khí chất hào hùng, anh dũng và quả cảm của những con người thủ đô. Để được như ngày hôm nay, Hà Nội đã phải trải qua những thời kỳ khốc liệt với bom đạn chiến tranh và những đêm dài “mịt mù bão lửa”. Nhưng dù vạn vật có đổi thay sau một nghìn năm thì bầu trời Hà Nội vẫn sẽ mãi trong xanh trong tâm trí của những con người đã và đang gắn bó với nơi này.
10. “Nhớ về Hà Nội” (nhạc sĩ Hoàng Hiệp)
“… Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hòa bình…”

Đối với tôi, Hà Nội không chỉ là thủ đô mà còn là những tháng năm dài cuộc sống. Vui có, buồn có, khổ đau có, hạnh phúc có, thanh bình cũng có mà bom đạn cũng có. Vì vậy, càng xa Hà Nội, tôi càng thêm yêu Hà Nội” - nhạc sĩ Hoàng Hiệp kể về những kỷ niệm với thủ đô thân thương. Hà Nội có thể là những con phố dài rợp bóng cây, cũng có thể là “Hồ Gươm xanh thắm, nơi tháp rùa nghiêng soi bóng” hay “những chiều 30 Tết chen giữa đào hoa thắm”… Hà Nội trong tiềm thức của mỗi người con rất khác biệt nhưng chắc chắn có một điều không thể đổi thay, đó là “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.

Tên tuổi của Hồng Nhung luôn gắn liền với những bài hát nổi tiếng về Hà Nội. Ảnh: Bá Hải.
Nhớ về Hà Nội là ca khúc gắn liền với tâm hồn và sự nghiệp của ca sĩ Hồng Nhung. Bống (tên gọi thân thương của Hồng Nhung) tâm sự rằng mình không nhớ nổi đã biểu diễn bài hát này bao nhiêu lần trên sân khấu nhưng mỗi lần, cô đều thể hiện bằng tất cả trái tim của một người con Hà Nội. Thủ đô sẽ đổi thay theo năm tháng nhưng giai điệu và cảm xúc của Nhớ về Hà Nội thì sẽ còn mãi nguyên vẹn trong tâm trí của mỗi người con Hà Nội

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Tam Đảo







Đó là một tiểu vùng khí hậu mát mẻ, man mác, thanh bình.
Những vườn susu trải dài xanh mướt...
Khách du lịch tự Hà nội lên tránh nắng rất đông, hương rừng phả ra ẩm ướt và thơm mát...Nghỉ dưỡng mấy ngày thì thích nhưng ở lâu thì buồn lắm...

Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

SAPA...




Mấy ngày nghỉ lễ cuối tuần, vợ chồng mình quyết định đi du lịch SaPa.
Quyết tâm lắm mới đi được vì trước khi đi trời cứ mưa sụt sùi, mình lại say xe nên nản chí lắm. Minh bảo ông xã "thôi anh ạ, để dịp khác đi, lần này đi nơi nào gần gần thôi..." nhưng rồi mọi người trong đoàn động viên nhiều quá... thế là quyết đi...
Tối thứ 5 lên tàu, cháy vé tàu vì lượng khách du lịch đông quá, nhưng rồi cũng mua lại được vé chợ đen. Mình tưởng tượng sẽ say lắm nhưng khi lên tàu mệt quá nằm ngủ luôn, nửa đêm thức giấc thấy chuyến tàu đêm cứ là lạ,lắc lư, ầm ì, nhìn ra ngoài cảnh vật cứ vun vút chạy qua, nhớ đến truyện ngắn của Thạch Lam...
5h sáng đến Lào Cai. Đi ô tô 30 cây số mới lên Sapa. Mưa to lắm, thế này thì chán thật, đi du lịch mà mưa thì chỉ ở khách sạn ngủ thôi, cô bạn cùng đoàn nêu ngay ý kiến "em mua bộ bài rồi, nều mưa thì mình ở khách sạn chơi bài", người khác lại động viên "bao nhiêu người cùng cảnh ngộ như mình", chồng mình cũng bảo " mưa tí thôi, tạnh ngay ấy mà..." Hóa ra mình lại là người để mọi người phải quan tâm nhất vì say xe, mệt mỏi... Lấy lại tinh thần, phấn chấn hơn mình cười vui vẻ rồi lên nhận phòng khách sạn. Anh chủ khách sạn bảo " các anh chị may đấy, có học trò là người ở đây đặt trước phòng cho chứ không thì bọn em hết phòng ngay rồi, hôm nay nhiều người hỏi thuê lắm mà không có...".
Rét quá, SaPa lạnh có 11 độ C. May mà mình có mang theo áo ấm. Mình chui ngay vào chăn. Sapa vẫn chưa ngủ dậy, thị trấn này như nàng công chúa điệu vợi, mải chơi đêm mà dậy muộn. Mới có 6h sáng, mình đi ngủ tiếp.
8h sáng cả đoàn đi ăn sáng. Mưa đã ngớt. Đi chợ thôi, chợ SaPa bán nhiều thuốc bắc quá...."chị đừng mua thuốc gì trên đó, toàn đồ Tàu đấy, không phải đồ Sapa đâu...", trước khi đi cô hàng xóm đã dặn mình như vậy... Nhưng mình nghĩ phải mua vài thừ làm kỷ niệm chứ, đây rồi gói chuối hột này cho bà giúp việc nhà mình chữa sỏi thận,công hiệu đến đâu thì chưa biết nhưng sản phẩm này ở Xuân Mai rất hiếm... Cả đoàn đi lòng vòng khắp chợ thị trấn, hay thật, ở đây mọi thứ cứ trong veo mà cổ kính, ngay cả các tên nhà hàng cũng rất Pháp mà lại cổ. Người dân tộc địu con đi chợ... Mình cứ dán mắt vào họ... Nhìn họ nhuôm nhếch nhưng láu cá do tiếp xúc với khách du lịch nhiều, nói tiếng Anh bồi rất cừ...
Hoa ở SaPa đep như hoa vườn Thượng Uyển, các đôi lưa yêu nhau chắc vì cảnh đẹp mà yêu nhau hơn, tiếc rằng mình không cho 2 con cùng đi.., 2 cậu học trò cũ làm guide rất nhiệt tình khiến mình cảm động, mà đường đi cheo leo lắm...
Hôm sau đoàn mình đi bản Cát cát, đây mới thực sự là chuyến khảo sát thực địa về đời sống của bà con dân tộc vùng Sapa, mình trở thanh ngố trước những điều giản đơn...
Chợ tình Sapa chỉ còn trong cổ tích, mình háo hức và mở căng mắt xem chợ tình như thế nào, có như trong báo chí nói không... nhưng rồi mình thất vọng: chỉ có mấy đứa trẻ nam mới lớn, (gọi là vị thanh niên thì đúng hơn) đứng túm ở một góc sơn múa khèn theo dịch vụ " co cho cháu 50.000 thì cháu và các bạn múa khèn cho cô xem, cháu đi bộ 12 cây số đến đây, mỗi tối thứ 7 chỉ kiếm được hơn 100.000 từ khách du lịch thôi", mình thạt sự thương chúng và thất vọng...
Các món ăn Sapa cũng độc đáo: cá hồi, gà đen, lợn cắp nách, cải mèo và rau sống...thích nhất là ăn những món này trong thời tiết lạnh....
Về Lào Cai, đi chợ Cốc Lếu mua hàng hóa, Sapa đã lùi dần sau lưng... Lên tàu, lại lắc lư, ầm ì... rồi về Hà nội. Chồng mình gọi: tỉnh đi em, về đến nơi rồi, em mua nhiều quà thế này thì anh xách thế nào hết... Vậy mà cả đoàn vẫn xách về hết, nào đào nào mận, nào tranh gỗ, chim sáo, nào thuốc bắc, nào hàng thổ cẩm... tất cả hoan hỉ như kiếm được chiến lợi phẩm từ thế giới khác trở về......