Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2009

Bình đẳng giới và việc tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Giới là một thuật ngữ để chỉ vai trò xã hội, hành vi ứng xử xã hội và những kỳ vọng liên quan đến nam và nữ. Những kỳ vọng này là những kỳ vọng xã hội về những hành vi và hành động được coi là thích hợp dành cho nam và nữ về những quyền hạn, nguồn lực hay quyền lực mà họ có.
Bình đẳng giới theo một nghĩa nào đó là sự bình đẳng về pháp luật, cơ hội, đó là sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn nhân lực, vốn và các nguồn lực sản xuất khác, bình đẳng trong thù lao công việc và trong tiếng nói (quyền ra quyết định).
Trong bài viết này tiếp cận khái niệm bình đẳng giới với tưa cách là việc tạo cơ hội điều kiện cho mọi thành viên dù là nam hay nữ trong đơn vị phát huy hết khả năng của bản thân để tham gia hiệu quả vào các hoạt động thực hiện những nhiệm vụ được giao.
Trong một đơn vị (một trường Đại học), dù ở cấp bộ môn, khoa hay lên cấp trường vấn đề tạo quyền cho mọi thành viên, đặc biệt là phụ nữ đã được chú ý và thực hiện tốt hơn trước rất nhiều. Phụ nữ có quyền tham gia đầy đủ các hoạt động, tiếng nói của họ được chú trọng, quan tâm. Những phụ nữ có năng lực uy tín có quyền được nắm giữ những vị trí chủ chốt, có quyền được ra quyết định. Biểu hiện cụ thể như:
Đội ngũ cán bộ giảng dạy đã có sự thay đổi cả về lượng và chất, tăng 21% so với 2 năm trước, số nữ Tiến sĩ tăng lên và số cán bộ có bằng Thạc sĩ tăng 53,4%, nữ cán bộ giảng dạy nói chung trong tổng số cán bộ giảng dạy chiếm 41,5%. Số đảng viên là nữ chiếm gần 30%. Qua con số trên chứng tỏ nhà trường đã rất chú trọng trong việc tuyển và đào tạo cán bộ nữ có chất lượng cao. Chị em được tạo điều kiện khá tốt trong vấn đề cử đi học cao học. Các vị trí chủ chốt, có thể có tiếng nói ra quyết định là nữ trước kia rất hiếm nay nhà trường đã chú trọng phát huy năng lực của chị em phụ nữ, đã có những chị được giữ vị trí trưởng phó phòng, phó khoa hay trưởng bộ môn… Hàng năm nhà trường có tổ chức khám chữa bệnh cho tất cả các cán bộ công nhân viên, đặc biệt là chị em phụ nữ thường xuyên được các y bác sĩ tư vấn về sức khoẻ, những phụ nữ dưới tuổi 35 còn được tư vấn về sức khoẻ sinh sản và cách nuôi dạy con cái… Đây là hoạt động thể hiện rất rõ tinh thần trách nhiệm giới. Hoạt động này thể hiện rõ hơn qua vai trò của ban nữ công nhà trường. Với phong trào thi đua hai giỏi chị em đã động viên giúp đỡ nhau để đạt được tiến độ về chuyên môn, về chính trị và ngoại ngữ, xây dựng gia đình văn hoá, bình đẳng, hạnh phúc. Trong quá trình thực hiện ban nữ công đã làm được một số những việc hết sức thiết thực như: chăm lo cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt, giáo dục hoà giải một số gia đình cá biệt có mâu thuẫn, xây dựng và duy trì quỹ Vì trẻ thơ. Các dịp lễ hội 8/3, 20/10 đều tổ chức biểu diễn văn nghệ ôn lại truyền thống phụ nữ, tổ chức sinh hoạt giáo dục cho nữ sinh… Cuối năm tổng kết phong trào phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà… Chính những hoạt động thiết thực này đã động viên tinh thần chị em phụ nữ rất nhiều, chị em phấn khởi thấy mình được tôn trọng, được bình đẳng giới nên càng cố gắng hăng say học tập lao động, công tác tốt. Năm vừa qua, nhằm phát huy vai trò vị trí của từng cán bộ, nhà trường đã tạo điều kiện và cơ hội tổ chức lớp học Quản lý nhà nước cho các cán bộ là chuyên viên và lớp phương pháp giảng dạy cho các cán bộ là giảng viên.
Với những hoạt động như trên có thể đánh giá về việc tạo cơ hội và điều kiện cho mọi thành viên trong đơn vị (đặc thù là trường đại học) mình phát huy hết khả năng của bản thân để tham gia có hiệu quả vào hoạt động thực hiện những nhiệm vụ được giao là khá tốt và sẽ tốt hơn nữa khi các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách thấm nhuần quan điểm tư tưởng về bình đẳng giới mà cả nhân loại đang hướng tới.
Vấn đề đặt ra là để có cán bộ nữ tham gia ở cấp ra quyết định (cán bộ lãnh đạo), công tác quy hoạch, đào tạo, đề bạt sử dụng cần có những biện pháp gì để khắc phục tồn tại và đạt kết quả tốt?
Theo tác giả,để có cán bộ nữ tham gia ở cấp ra quyết định công tác quy hoạch đào tạo đề bạt sử dụng cần có những biện pháp sau để khắc phục tồn tại và đạt kết quả tốt:
- Thứ nhất, phải đầu tư nâng cao trình độ cho cán bộ nữ, thực tế cho thấy nếu được đào tạo như nhau về chuyên môn thì giới nữ làm việc không kém gì nam giới. Thậm chí với đặc điểm khéo léo, nhẹ nhàng, mềm mỏng phụ nữ có thể thành công hơn nam giới. Tránh tư tưởng phụ nữ chân yếu tay mềm chỉ nên hoạt động sau chính trường, điều này sẽ làm hạn chế khả năng và cơ hội của phụ nữ.
- Thứ hai, có những hoạt động thiết thực khuyến khích chị em nâng cao trình độ, nhất là những nữ cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi). Giai đoạn này là giai đoạn chị em có nhiều sáng tạo, có sức khoẻ nhưng cũng là giai đoạn các chị em phải thực hiện quyền lợi và trách nhiệm làm vợ và làm mẹ nên một số chị em thường sao lãng việc học hành nâng cao trình độ. Nếu chị em trong giai đoạn này có ý thức cầu tiến nâng cao trình độ chuyên môn và có tố chất, năng lực lãnh đạo cần khuyến khích bằng các hoạt động thiết thực như:
+ Tổ chức các lớp nhà trẻ, mẫu giáo có chất lượng cao để chị em yên tâm gửi con cái.
+ Các chị em nếu đi học Cao học xa nơi công tác và xa gia đình vừa nuôi con vừa đi học (thường phải mang con theo) rất cần khoản tài chính để thuê nhà vì lúc này lương của chị em còn rất thấp. Các nhà chính sách cần chú ý hỗ trợ vấn đề này.
- Thứ ba, mạnh dạn ra chính sách con ốm bố nghỉ và chính sách nghỉ sinh con cho các ông bố để phát huy vai trò người bố trong việc chăm sóc con cái giúp phụ nữ. Vì hiện nay mô hình gia đình hiện đại là gia đình hạt nhân chỉ có 2 thế hệ bố mẹ và con cái. Khi sinh con phụ nữ thường không có ông bà đỡ đần nên rất cần vai trò của người bố.
- Thứ tư, khi đã đào tạo được các cán bộ nữ có chuyên môn nghiệp vụ cao cần đưa vào sử dụng ngay để họ vận dụng các kiến thức mới mẻ của mình, tránh tình trạng học về bỏ đấy sẽ làm rơi vãi mai một kiến thức và gây tâm trạng chán nản, buông xuôi.
- Và thứ năm, khi tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cần khuyến khích cả nam tham gia, tránh tình trạng phụ nữ nói và chỉ có phụ nữ nghe. Nam giới không tham gia sẽ không thấu hiểu và khó thay đổi nhận thức quan điểm về giới như truyền thống đến nay.
Trên đây là một vài các biện pháp để khắc phục tồn tại và đạt được kết quả tốt nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia ở cấp ra quyết định, cấp cán bộ lãnh đạo ở đơn vị mình./.
(DHLN-2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét