Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

TÍNH CÁCH NHÂN BẢN VÀ THỰC TIỄN CỦA PHẬT GIÁO


Tính cách nhân bản của đạo Phật là làm cho con người trở nên Người hơn, phát huy tất cả mọi tính người cao đẹp, thải trừ mọi khả năng thấp kém và hèn hạ (tham, sân, si, sát, đạo, dâm, vọng...).

Con đường hình thành Phật không gì khác hơn là con đường làm viên mãn những đức tính vốn đã tiềm ẩn yếu ớt nơi con người bình thường: trí óc sáng suốt, lòng nhân ái, sự ghét điều ác, thích điều thiện, sự tự chế, kiên định, lòng hy sinh... và xoá bỏ hẳn tất cả những gì làm cho con người bị ràng buộc, tha hoá, hạ thấp, bị trĩu nặng, phiền não... Cuộc đời này trở nên hỗn loạn, khổ đau cũng vì những tính tiêu cực đó.

Tính nhân bản của đạo Phật là chống lại những gì làm hạ thấp con người và hun đúc cho con người mọi đức tính cao đẹp để thực hiện trọn vẹn định mệnh và ý nghĩa làm người của nó, thoát khỏi ràng buộc thấp kém để trở thành một mẫu mực chân-thiện-mỹ của vũ trụ. Bởi thế, đạo Phật cho là tốt những gì làm cho con người tiến hoá, làm cho con người thực hiện được tính Người, tức là tính Phật.

Tính nhân bản của đạo Phật được đẩy đến tột độ khi không phân biệt được con người bình thường (chúng sinh) và Phật- Phật là một chúng sinh đã "Ngộ". Theo đạo Phật, không có một hình thức đời sống nào khác ngoài phận mệnh làm người, không có một thế giới nào khác ngoài trái đất này là tốt hơn cho con người trong việc thực hiện định mệnh cao cả của mình: đó là thực hiện trọn vẹn tính Người, tức là Phật tính.

Trái với nhiều người lầm tưởng cho rằng đạo Phật là tiêu cực, coi thường kiếp sống con người, là chối bỏ thế giới này... Ngược lại, đạo Phật đề cao cơ hội hiếm có được làm người, đề cao hoàn cảnh đầy khó khăn, ô trược... vốn là nơi bùn lầy nhưng là chốn tốt nhất để mọc hoa sen.

Đạo Phật còn nhân bản và thực tiễn- rất hiện sinh ở chỗ không hứa hẹn bắt buộc con người phải hy sinh hiện tại cho một thế giới vật chất hay tinh thân nào khác chỉ có trong sách vở hay trong tưởng tượng... mà đặt tất cả khát vọng của cả 3 thời quá khứ- hiện tai-tương lai vào một khoảnh khắc hiện tiền. Trong khoảnh khắc hiện tại này có đầy đủ con đường đi lên hay đi xuống, giải thoát hay đau khổ, thoát khỏi vòng sinh- tử là cõi Niết bàn. Phật giáo đặt toàn bộ cuộc đời con người vào trong một Niệm, trong một Niệm có tất cả vòng thập nhị nhân duyên, khổ đau, sinh tử cũng như có tất cả an lạc, giải thoát... Tính cách hiện sinh và thực tiễn ấy không đâu bằng đạo Phật.

Đạo Phật thực tiễn ngày nay trong chỗ thâm sâu nhất của nó là trí huệ. Theo Phật giáo, con người khổ đau, không mãn nguyện không phải vì một đấng nào ban phát hạnh phúc hay khổ đau mà vì chính tâm thức con người. Con người không thấy đúng, không thấy được như thực mà chỉ thấy theo vọng tưởng, thành khiến, tham chấp của mình... từ đó phiền não, đau khổ nảy sinh. Cái thấy đúng (chính kiến) là sự mở đầu cho con đường đến hạnh phúc chân thực. Vì thấy sai, từ đó suy nghĩ sai, sống sai, làm sai mà phiền não, đau khổ tiếp diễn. Nguyên nhân của mọi phiền não, đau khổ của con người và thế giới không gì khác hơn là thấy một cách méo mó, biết một cách sai lầm (vô minh) theo thành kiến, chủ quan, theo sự tham đắm riêng của mình. Sự đau khổ do chính chúng ta, từ đó sự chấm dứt khổ đau cũng do chính chúng ta, bằng cách tự điều chỉnh lại cách nhìn và cách sống của mình

Đạo Phật là sự thấy đúng, sống đúng và hiệu quả của việc sống đúng là HẠNH PHÚC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét